Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 năm 2023 được tổ chức nhằm triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW, thu hút sự quan tâm và tham dự của hơn 1.500 đại biểu trong nước và quốc tế. Diễn đàn gồm chuỗi 4 hội thảo chuyên đề, trong đó, hội thảo chuyên đề 1 với chủ đề “Nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng Make in Vietnam”.
Hội thảo tập trung vào các nội dung: Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số; Chuyển đổi số trong sản xuất; Ứng dụng IoT trong tối ưu sản xuất; Công nghệ 4.0 trong sản xuất, thúc đẩy nâng cao giá trị doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh; Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với giải pháp Make in Vietnam; Giải pháp quản lý và điều hành sản xuất thông minh (MoM) thế hệ mới...
PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương tham dự hội thảo chuyên đề 1 với chủ đề “Nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng Make in Vietnam”.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn dẫn dự báo của Tập đoàn Ericsson cho biết, vào năm 2025 khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ thu hút 2/3 nhà sản xuất toàn cầu, trong đó dẫn đầu thuộc về các ngành sản xuất thông minh. Hiện tại, 7 quốc gia trong khu vực gồm Australia, Indonesia, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore và Thái Lan đã triển khai sản xuất những thiết bị công nghệ thông minh 5G. Việt Nam cũng được Ericsson đánh giá là điểm đến hấp dẫn với doanh thu từ công nghiệp 5G ước đạt 1,54 tỷ USD vào năm 2030.
Trong báo cáo công nghiệp hóa trong kỷ nguyên số của UNIDO, Việt Nam được xếp trong nhóm các nền kinh tế tiêu dùng công nghệ số, trong số 40 nền kinh tế chủ động theo đuổi Công nghiệp 4.0. Nhập khẩu thiết bị, công nghệ số của Việt Nam đứng thứ 15, xuất khẩu công nghệ đứng thứ 46 và hoạt động sáng chế đứng thứ 48 trong số 150 nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam, 70% sản phẩm được tạo ra sử dụng máy móc do con người điều khiển, 20% được làm thủ công, chỉ 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn như robot, sản xuất đắp lớp 3D.
Chỉ một phần nhỏ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo; tỉ lệ doanh nghiệp có R&D trong các ngành sản xuất còn rất thấp...
"Do đó, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, các nhà quản lý cùng trao đổi, thảo luận về một số vấn đề như thúc đẩy chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sản xuất sản phẩm theo hướng "Make in Viet Nam"; đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam; phát triển, làm chủ công nghệ sản xuất, đẩy mạnh R&D... Trên cơ sở đó, có những đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách nhằm nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng make in Việt Nam...", ông Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.
Hội thảo còn có phiên thảo luận mở về nâng cao năng lực sản xuất thông minh, phát triển ngành công nghiệp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hành động của cả hệ thống chính trị và xã hội về tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước trong tình hình mới.
Hội thảo chuyên đề 2 có chủ đề “Thúc đẩy ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, tập trung chia sẻ về: Thực trạng nghiên cứu, phát triển Trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam và định hướng đến năm 2030; AI trong việc thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; Tương lai của trải nghiệm khách hàng; Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo tái định hình các ngành công nghiệp số; Bước tiến mới của AI trong ngành sản xuất thông minh; AI chìa khóa tối ưu vận hành doanh nghiệp.
Phiên thảo luận bàn tròn sẽ trao đổi và làm rõ xu hướng AI hiện nay, những vấn đề trong việc phát triển và ứng dụng AI; yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp có thể ứng dụng AI hiệu quả nhất; tiềm năng ứng dụng đa lĩnh vực của Trí tuệ nhân tạo trong kỷ nguyên số; những ứng dụng AI tại Việt Nam hiện nay và các ngành nghề có tiềm năng ứng dụng AI trong tương lai; Định hướng phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ AI tại Việt Nam…
Hội thảo chuyên đề 3 với chủ đề “Xu hướng công nghệ và giải pháp phát triển ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam trong Chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tập trung vào các nội dung về kinh nghiệm quốc tế trong thúc đẩy chuyển dịch năng lượng và khuyến nghị cho Việt Nam; Năng lực của doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi và các đề xuất, kiến nghị; Chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chuyển đổi năng lượng sạch – cơ hội và thành tựu tại EU, khuyến nghị chính sách cho Việt Nam; Giải pháp công nghệ mới cho điện mặt trời áp mái tại các khu công nghiệp; Xu hướng quản trị và phân tích dữ liệu lớn đáp ứng chuyển đổi số ngành năng lượng Việt Nam.
Phiên thảo luận bàn tròn sẽ trao đổi và làm rõ các vấn đề như: Các cơ chế, chính sách khuyến khích để phát triển ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam; Những khó khăn, vướng mắc về các mặt công nghệ, tài chính, nhân lực trong quá trình phát triển ngành công nghiệp năng lượng tại Việt Nam, nhất là năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; Những yêu cầu đặt ra đối với ngành công nghiệp năng lượng; Vai trò của Nhà nước, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước trong việc phát triển ngành công nghiệp năng lượng và chuyển đổi số đối với ngành năng lượng Việt Nam.
Phiên Hội thảo chuyên đề 4 với chủ đề “Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tập trung vào các nội dung về Công nghệ đám mây: Động lực chính trong chuyển đổi số ngành tài chính; phát triển các sản phẩm tín dụng xanh và mô hình ngân hàng xanh - Kinh nghiệm của BIDV; Đột phá và thúc đẩy kinh doanh qua nền tảng tài chính; Thương mại 2023: Công nghệ không tiếp xúc và token hóa thúc đẩy phát triển thanh toán không chạm; Chuyển đổi số trong lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam; Ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số cho các đơn vị kinh doanh.
Phiên thảo luận bàn tròn sẽ trao đổi và làm rõ các vấn đề như: Các cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi xanh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng; Giải pháp huy động vốn thực hiện những dự án tăng trưởng xanh hiện nay; Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như thế nào; Đánh giá về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam trong việc sử dụng các công nghệ không tiếp xúc và thúc đẩy thanh toán không chạm hiện nay...
Phiên Diễn đàn cấp cao được chủ trì bởi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ. Tại các hội thảo, triển lãm bên lề, đại diện nhiều doanh nghiệp đã giới thiệu các giải pháp công nghệ và triển lãm các công nghệ mới.