Phát biểu khai mạc đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định trên tinh thần “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IV thể hiện ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn là dịp để đánh giá việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc ở địa phương, khẳng định, tôn vinh, ghi nhận, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước, đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ III, giai đoạn 2019-2024, đồng thời đề ra mục tiêu, chỉ tiêu, phương hướng, nhiệm vụ cho giai đoạn 2024-2029; tiếp tục khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc. Đại hội còn là diễn đàn giao lưu, trao đổi, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trước thềm Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tin tưởng rằng, đồng bào các dân tộc Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục phát huy ý chí quyết tâm, truyền thống của quê hương cách mạng, vững tin vào đường lối lãnh đạo của Đảng, không ngừng đổi mới, sáng tạo, chung sức đồng lòng củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Qua 5 năm thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ III, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xác định rõ một số nhiệm vụ trọng tâm cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt ngay từ đầu nhiệm kỳ. Triển khai các biện pháp thích ứng an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, tập trung huy động các nguồn lực và thực hiện lồng ghép 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; qua đó đã thu được những kết quả đáng phấn khởi trên các lĩnh vực của đời sống xã hội trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đó, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS được đầu tư mạnh mẽ; các vấn đề bức thiết về nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, phát triển sản xuất cũng như công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chính sách an sinh xã hội cho đồng bào DTTS được quan tâm đặc biệt; cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục, y tế và các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS ngày càng được đầu tư khang trang, hiện đại và chất lượng được nâng cao; các thiết chế văn hóa tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS gắn với du lịch cộng đồng ngày càng phát triển.
Giai đoạn 2019 - 2024 tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS bình quân mỗi năm giảm từ 7-9% (vượt mục tiêu đề ra là từ 2-3%/năm); duy trì tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đồng bào DTTS đạt 95%; tỷ lệ huy động học sinh các cấp học đến trường đạt 98%. Riêng thu nhập bình quân đầu người đồng bào DTTS từ 40 – 42 triệu đồng là chỉ tiêu còn lại không đạt và cần nỗ lực hơn… Trên phạm vi toàn tỉnh, cuối năm 2021, vùng đồng bào DTTS có 7.174 hộ nghèo, chiếm 38,22% thì đến cuối năm 2023 còn lại 3.654 hộ nghèo, chiếm 19,36%. Sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện cho việc thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương. Đến nay, vùng đồng bào DTTS có 6/24 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đoàn Chủ tịch điều hành tại Đại hội
Giai đoạn 2024-2029 hướng đến mục tiêu chung là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở về công tác dân tộc; khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh theo hướng phát huy giá trị văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào DTTS so với mức bình quân chung toàn tỉnh và cả nước. Phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, văn hóa; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS đi đôi với xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu. Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an ninh biên giới quốc gia; khơi dậy khát vọng, ý chí tự lực tự cường của đồng bào DTTS; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước, xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương…
Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu khẳng định những năm qua, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đã huy động, lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số không ngừng được nâng lên; các vấn đề bức thiết được giải quyết cơ bản như xóa nhà tạm, bố trí ổn định dân cư, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề cho hộ gia đình thiếu đất sản xuất; những giá trị truyền thống, nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn, phát huy; bộ mặt nông thôn tiếp tục có nhiều đổi mới, ngày càng xanh - sạch - sáng, văn minh; góp phần để huyện A Lưới được công nhận thoát khỏi huyện nghèo quốc gia.
Bí thư Tỉnh uỷ Lê Trường Lưu biểu dương, khen ngợi các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể, đặc biệt là đồng bào các dân tộc trên quê hương Thừa Thiên Huế đã nỗ lực phấn đấu trong thời gian vừa qua.
Trong thời gian tới, nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục mọi khó khăn, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đề nghị tăng cường chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tiếp tục lồng ghép và triển khai có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các đề án, dự án cụ thể gắn với huy động nguồn lực để thực hiện. Trọng tâm là: tập trung phát triển kết cấu hạ tầng; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; bố trí ổn định dân cư; nâng cao kiến thức, kỹ năng phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng bền vững, thân thiện môi trường gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.
Qua đó, quan tâm huy động nguồn lực thực hiện quyết liệt công tác giảm nghèo bền vững; phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%. Chú trọng hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho những hộ nghèo có khả năng lao động; phân công cụ thể các tổ chức, cá nhân trong việc hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo không có khả năng lao động. Kiên quyết không để phát sinh thêm hộ nghèo, hộ có nhà tạm. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, thay đổi nếp nghĩ, cách làm; đoàn kết giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế bền vững; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc; tích cực tham gia, lan tỏa mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động với những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương. Phát huy hơn nữa vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc nâng cao nhận thức thoát nghèo, ý thức lao động vươn lên của đồng bào.
Đồng thời, tăng cường xã hội hóa để huy động các nguồn lực nhằm phát triển, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bảo đảm điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh; khắc phục tình trạng học sinh bỏ học. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; tỷ lệ tốt nghiệp; tỷ lệ vào đại học của học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chăm lo thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Hoàn thành việc sưu tầm, biên soạn, ghi âm, ghi hình, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch bền vững. Bên cạnh đó, tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân, đội ngũ cán bộ, đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chú trọng phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số.
Thừa Thiên Huế đang đứng trước thời cơ và vận hội mới, Bí thư Tỉnh uỷ Lê Trường Lưu tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, yêu nước; vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, chỉ tiêu, Quyết tâm thư của Đại hội lần thứ IV đề ra, góp phần xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Nhân dịp này, thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bí thư Tỉnh uỷ Lê Trường Lưu tặng Đại hội Bức trướng với nội dung: “Các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế đoàn kết, phát huy lợi thế, phát triển kinh tế bền vững giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống”.
Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr
trao Bằng khen cho 01 tập thể và 05 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc
Dịp này, Ủy ban Dân tộc đã trao tặng Bằng khen cho 01 tập thể và 05 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc; Trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển các dân tộc cho các cá nhân. UBND tỉnh trao tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 15 cá nhân đã có thành tích trong thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2019-2024.