Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Tổ chức Tháng hành động vì trẻ em năm 2024
Ngày cập nhật 27/05/2024

Thực hiện Kế hoạch số 140/KH-UBND ngày 14/5/2024 của Ủy ban nhân dân huyện về tổ chức Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, Uỷ ban nhân dân xã Phú Hải ban hành Kế hoạch tổ chức Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 như sau:

 

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, THỜI GIAN

1. Mục đích và yêu cầu

- Đẩy mạnh phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm tiếp tục chung tay giúp đỡ về vật chất và tinh thần, cải thiện môi trường sống cho trẻ em, tạo điều kiện và cơ hội để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện.

- Thực hiện “Mùa hè an toàn cho trẻ em”, tổ chức tốt việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền, các tổ chức, đoàn thể trong việc quản lý, giám sát, hướng dẫn trẻ em vui chơi an toàn, lành mạnh, bổ ích. Hạn chế tối đa tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, rơi vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, bị bóc lột sức lao động trong dịp hè.

- Lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động vì trẻ em phù hợp, thiết thực, hiệu quả, an toàn, không phô trương hình thức.

2. Thời gian: Từ ngày 01/6/2024 đến ngày 30/6/2024.

3. Chủ đề, thông điệp và khẩu hiệu truyền thông

a) Chủ đề Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em.

b) Thông điệp và khẩu hiệu truyền thông:

- Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em

- Ưu tiên nguồn lực cho trẻ em để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

- Bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách đối với trẻ em

- Bảo đảm quyền trẻ em phải là trung tâm của chính sách, chiến lược phát triển đất nước

- Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

- Tăng cường chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vì sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

- Tổng đài 111 - tiếp nhận thông tin mọi lúc, bảo vệ trẻ em mọi nơi

- Phòng ngừa và chấm dứt lao động trẻ em vì sự phát triển bền vững

- Chăm sóc sức khỏe tâm thần để trẻ em phát triển toàn diện

- Phòng, chống tai nạn, thương tích để bảo đảm quyền được sống của trẻ em

- Gia đình, cộng đồng giám sát, trông giữ trẻ em để phòng, chống đuối nước

- Lắng nghe trẻ em để chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Các hoạt động tuyên truyền

a) Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 từ cuối tháng 5 hoặc ngày 01/6/2024.

b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”, các thông điệp, mục đích, ý nghĩa Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, cộng đồng, gia đình chăm lo cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có điều kiện được chăm sóc y tế, giáo dục và phát triển bình đẳng như những trẻ em khác. Hưởng ứng các hoạt động nhân Ngày quốc tế thiếu nhi 1/6; Ngày quốc tế phòng, chống lao động trẻ em (ngày 12 tháng 6).

c) Tăng cường truyền thông và tiếp cận, sử dụng dịch vụ bảo vệ trẻ em thông qua Đường dây nóng Tư vấn và hỗ trợ trẻ em, dịch vụ miễn cước cuộc gọi, phím số 111 - Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em để mọi người dân và trẻ em liên hệ miễn phí khi có nhu cầu tư vấn, tham vấn, hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị bạo lực, xâm hại và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

2.  Tổ chức các hoạt động vui chơi có sự tham gia của trẻ em

a) Căn cứ tình hình thực tế để tổ chức một số diễn đàn, chương trình tọa đàm, hội nghị,… để trẻ em bày tỏ ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng; lấy ý kiến tham gia của trẻ em trong quá trình xây dựng các chính sách, văn bản liên quan đến trẻ em, phát huy quyền tham gia và giúp trẻ em tự tin, thực hiện tốt bổn phận của mình. Hướng dẫn trẻ em về kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, an toàn giao thông và các vấn đề liên quan đến trẻ em phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và phát triển của trẻ em.

b) Triển khai các hoạt động tặng quà, học bổng cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt học giỏi; Giáo dục cho trẻ em các kỹ năng tự phòng tránh như: tai nạn thương tích, đuối nước, an toàn giao thông, xâm hại tình dục, bạo hành, mua bán, bắt cóc trẻ em...

3. Hoạt động kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh

a) Tổ chức các hoạt động câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em; các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện tại địa phương để trẻ em học các kỹ năng đảm bảo an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện khi tham gia vào thế giới công nghệ số;

b) Tổ chức lớp kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em, kỹ năng tham gia trong thế giới công nghệ số, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; học kỳ quân đội; các lớp năng khiếu, võ thuật, âm nhạc, thể dục nhịp điệu,... nhằm thu hút sự tham gia của trẻ em trong thời gian các em nghỉ hè;

c) Triển khai lồng ghép các hoạt động Tháng hành động vì trẻ em cùng với các nội dung hoạt động của Kế hoạch hoạt động Hè năm 2024 của xã và các hoạt động nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6).

4. Chủ động thực hiện các giải pháp, hoạt động phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, thường xuyên rà soát, kiểm tra, phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời những nơi nguy cơ trẻ em bị tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, tai nạn rơi ngã.

5. Thực hiện phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em
theo quy định pháp luật về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục,
gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí địa phương được phân bổ trong năm 2024.

2. Nguồn từ các chương trình, dự án bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

3. Từ nguồn huy động hợp pháp khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

  1. Công chức văn hóa xã hội ( Phụ trách LĐTBXH)

a)  Phối hợp với nhà tài trợ tổ chức thăm, tặng quà, học bổng, cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 tại một số địa phương, đơn vị.

b) Phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân che giấu, không thông báo, không tố cáo vụ việc, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

c) Phối hợp với các ban ngành, đoàn thể liên quan xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ triển khai nội dung vận động các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân... ủng hộ nguồn vốn xây dựng: trường, lớp học; hỗ trợ sách vở, học bổng cho trẻ em nghèo; hỗ trợ phẫu thuật, chỉnh hình cho trẻ em khuyết tật...

d) Tiếp tục vận động các nguồn lực để hỗ trợ cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng, tham gia hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí, tặng quà cho trẻ em.

3. Các trường học đóng trên địa bàn

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các kỹ năng phòng tránh bạo lực, xâm hại, nhất là xâm hại tình dục, phòng tránh tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước; thăm, tặng quà cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đạt thành tích cao trong học tập nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 01/6/2024.

b) Kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất, các điều kiện đảm bảo cho giảng dạy và học tập. Có phương án hỗ trợ để đảm bảo điều kiện thực hiện quyền học tập cho trẻ em và an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích, đặc biệt là trong trường học và chủ động phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em và kịp thời can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại.

c) Thực hiện bàn giao, quản lý trẻ em khi kết thúc năm học 2023-2024 để trẻ em có thời gian nghỉ hè an toàn, phòng tránh tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước...

4. Trạm y tế

a) Tích cực tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích, xây dựng cộng đồng an toàn cho trẻ em. Đặc biệt triển khai có hiệu quả chương trình phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

b) Phòng ngừa, ngăn chặn các dịch bệnh lây nhiễm cho trẻ em; nâng cao điều kiện và chất lượng phòng bệnh, khám bệnh, phát hiện bệnh, chữa bệnh, cấp cứu và vận chuyển cấp cứu.

c) Tiếp nhận, điều trị, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời và tư vấn chăm sóc sức khỏe đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại.

5. Công an

a) Xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi xâm hại trẻ em; can thiệp khẩn cấp nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực, ngược đãi trẻ em, bóc lột sức lao động trẻ em, mua bán trẻ em qua biên giới,  nhất là tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên.

b) Rà soát các vụ việc xâm hại trẻ em và có các giải pháp tích cực trong việc điều tra, xử lý các vụ việc tồn đọng.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                         

6. Công chức văn hóa xã hội (Phụ trách Văn hóa thông tin)

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng thời lượng phát sóng nội dung “Tháng hành động vì trẻ em"; thông báo các hoạt động, chương trình tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 và công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong tình hình mới; Phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng các phóng sự, bài viết nêu gương người tốt, việc tốt trong việc giúp đỡ trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

7. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các tổ chức hội, đoàn thể liên quan

a) Phối hợp với UBND vận động đoàn viên, hội viên, người dân tham gia bảo vệ, chăm sóc trẻ em thông qua lồng ghép các hoạt động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; mô hình “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc” nhằm ngăn ngừa bạo lực gia đình, mô hình “xã, phường không có tệ nạn xã hội”, phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; vận động và sử dụng hiệu quả, minh bạch nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức để hỗ trợ trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

b) Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh xã:

- Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì Trẻ em năm 2024;

- Tổ chức hoạt động hè phù hợp; phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em và các nguy cơ mất an toàn cho trẻ em, phản ánh kịp thời với các cơ quan chức năng để giải quyết.

c) Các tổ chức Hội, đoàn thể, các tổ chức xã hội tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm tham gia ủng hộ, giúp đỡ và hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã; tổ chức các hoạt động thiết thực trợ giúp cho trẻ em.

Trên đây là kế hoạch triển khai thực hiện của UBND xã, đề nghị các ban ngành đoàn thể liên quan xây dựng kế hoạch phối hợp để thực hiện./.

 

Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 822.161
Truy cập hiện tại 229